TOP 05 MÓN BÁNH TỪ BỘT GẠO ĐẬM CHẤT VIỆT NAM PHẢI THỬ

 TOP 05 MÓN BÁNH TỪ BỘT GẠO ĐẬM CHẤT VIỆT NAM PHẢI THỬ

Nói đến văn hoá ẩm thực Việt Nam là khơi gợi nên một dải màu sắc bắt mắt gắn liền với lịch sử và đặc tính vùng miền. Đi đầu trong nền nông nghiệp, người dân Việt tận dụng và tạo cơ hội phát triển ẩm thực dựa trên những điều sẵn có. Trong vô vàn những món ăn đặc sản tạo nên tên tuổi đất Việt không thể không nhắc đến các loại bánh, từ mặn đến ngọt, đậm phong vị vùng miền và được đánh giá là sản vật không thể bỏ qua khi nhắc đến Việt Nam.

1. Bánh đúc

Bánh đúc là một món ăn dân dã, ở miền Bắc và Trung bánh được làm từ bột gạo, miền Nam thay thế bằng bột năng, cùng với một ít gia vị. Thịnh hành khắp ba miền với nhiều biến thể khác nhau, nhưng vẫn luôn là món quà quê gắn với sự bình dị, mộc mạc.

Bánh đúc có vẻ ngoài trắng mịn, bóng mỡ và mịn, dễ ăn với giá thành rẻ. Từ loại truyền thống chỉ ăn kèm với nước tương, ngày nay bánh đúc được kết hợp với các như riêu cua, mắm tôm, mật ong… hấp dẫn và đầy đủ dinh dưỡng hơn.

Để chế biến bánh đúc không khó nhưng đòi hỏi đôi chút kì công từ khâu chọn nguyên liệu. Gạo tẻ loại ngon đảm bảo được các yếu tố dai, giòn, độ nở, màu sắc và hương vị quyết định chất lượng bánh. Thông thường, thành phẩm khi vừa hấp xong phải dẻo, lúc nguội thì cứng lại. Gạo tẻ sau khi sàng kĩ thì được ngâm trong nước vôi hoặc nước tro.

Loại vôi mềm nhuyễn ngày xưa thường dùng ăn trầu, hoặc tro đun củi, sàng thật kỹ rồi hoà nước ngâm gạo. Một số nơi để tăng thêm hương vị, còn đặc biệt dùng tro đốt cành xoan, bưởi hoặc dây tầm gửi… để bánh có được vị thanh và mùi thơm. Liều lượng nước ngâm gạo phải chuẩn, thiếu thì bánh nát, thừa thì mùi vị vôi sẽ nồng, át mất vị thơm vốn có của gạo tẻ.

Thông thường bánh đúc vẫn được ăn kèm với nước tương. Ngày xưa, người Việt vẫn tự làm nước tương, để đảm bảo nguyên chất và bảo quản được lâu. Nhưng hiện nay, để giữ được hương vị thuần túy và tiết kiệm thời gian hơn, bạn có thể sử dụng nước tương Chin-Su. Vị tương càng đậm đà, kết hợp với bánh đúc thanh bùi, bạn có thể cảm nhận được sự tinh túy và kì công trong sự kết hợp này.

2. Bánh cuốn

Bánh cuốn không còn quá xa lạ với người dân Việt bởi tính phổ biến và dân dã. Các bạn có thể thấy bánh cuốn được bày bán khắp mọi nơi, dùng làm bữa sáng hoặc các bữa ăn nhanh thay thế trong ngày với sự tiện lợi và ngon miệng của bánh.

Lớp vỏ bánh có màu trắng trong, mềm mượt và ngọt vị bột gạo, bên trong là nhân thịt heo cùng mộc nhĩ xào chín tới, dậy mùi và mặn mà. Bánh cuốn xuất nguồn từ Thanh Trì, thời vua Hùng thứ 18, được lưu truyền và chế biến thay đổi dần để phù hợp với khẩu vị từng vùng miền.

Bánh cuốn ngon là phải làm từ bột gạo ngon, xay mịn, hoà với nước, gạt mỏng đều trên lớp vải bao quanh xửng hấp. Lớp vỏ càng mỏng, càng giữ được độ dai, khi cuộn với nhân không bị bể nát. Nhưng để cán được độ mỏng phù hợp, khâu chuẩn bị bột gạo phải khéo léo để bột không vón cục, quá sệt hay loãng.

Ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, vỏ bánh được làm từ gạo gié cánh, sau khi hấp thì phủ lá sen, hoặc lá chuối để bánh luôn nóng và thoang thoảng mùi thơm của lá, ăn với nước chấm và không có nhân. So với miền Nam, bánh cuốn lúc nào cũng bọc phần nhân tôm thịt và nấm hương, ăn kèm với vài lát chả quế.

Món bánh cuốn để đậm đà và ngon hơn, mọi người thường kết hợp với nước chấm. Nước chấm ngon mới làm dậy lên hương vị đặc thù của bánh. Nước mắm Chin-Su pha với nước đường, pha đậm đặc có chút ngọt, chứ không chua như nguyên bản Thanh Trì, thêm chút ớt và hành phi. Vậy là có thể thưởng thức.

3. Bánh bèo

Bánh bèo được xem là đặc sản miền Trung, thành phần chính là bột gạo, tôm xay nhuyễn rắc phía trên mặt bánh làm nhân, ăn kèm với nước chấm. Để bánh thêm hấp dẫn, sau này người dân cho thêm mỡ hành, đậu phộng rang để tăng độ béo.

Tại miền Trung, bánh có hai loại chính. Bánh bèo Quảng Nam thường to, dày, nhân mặn gồm tôm thịt và hẹ, thêm ít hành phi và ớt băm. Còn bánh bèo Huế thì mỏng và nhỏ hơn, bột tôm sấy, hoặc ruốc và da heo chiên giòn. Bánh ăn ngon nhất khi được rưới nước mắm pha lên trên bề mặt, ngấm đều và trông óng ánh chút mỡ thắn rất hấp dẫn.

Khi bánh du nhập vào miền Nam, nhân bánh biến tấu thành đậu xanh nhuyễn và đồ chua, ăn kèm với với nước cốt dừa nên có vị ngọt hơn so với bánh bèo truyền thống. Trong quá trình chế biến, người dân dùng nước đường, thường là đường vàng hoà tan với nước, trộn với bột gạo nếp, có thêm lá dứa cho thơm, rồi mang đi hấp.

Dù với cách chế biến khác nhau, nhưng với hình dáng như lá bèo, màu trắng đục và thơm dẻo, bánh bèo được ưa chuộng vì tính bình dị và ngon miệng.

4. Bánh bột lọc

Bánh bột lọc có xuất xứ từ Huế, làm từ bột sắn nhồi kĩ, bọc nhân tôm hoặc thịt nạc heo. Bánh được gói bằng lá chuối, hấp cách thuỷ hoặc luộc chín, ăn kèm nước chấm. Đối với ẩm thực Việt, cho dù hình thái bên ngoài trông có vẻ đơn giản, được bày bán từ nhà hàng đến gánh rong, thì quy trình chế biến luôn được chú trọng và tỉ mẩn.

Bánh bột lọc gồm hai loại: bánh gói lá và bánh trần. Chung quy cả hai loại có cách chế biến gần giống nhau nhưng xét về chi tiết cũng có đôi chút khác biệt. Bánh trần được làm theo hình bán nguyệt, luộc trực tiếp rồi xóc bánh với dầu ăn trộn hành lá để chống dính và tạo nên nét hấp dẫn riêng. Trong khi bánh lá hình chữ nhật, gói trong lá chuối; sau khi hấp cách thuỷ có mùi hương ngai ngái, thoang thoảng nhẹ nhàng…

Bánh có thể được dùng cho điểm tâm, ăn vặt hoặc trong các bữa tiệc gia đình…

Khâu quan trọng nhất vẫn là lựa chọn nguyên liệu. Để bánh truyền tải được hết vị ngon, nhân tôm phải chọn con nhỏ chắc thịt và tươi; nhân thịt nạc heo phải săn, thớ thịt thuôn đều.

Ngày nay khâu lựa chọn nguyên liệu đơn giản và tiện lợi khi bạn chỉ cần lựa chọn thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm như MEATDeli để tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Bánh bột lọc mang lại cảm giác mềm dẻo, dai dai và thanh mát của bột lọc, vị thơm ngọt của thịt ba chỉ và tôm, chưa kể còn được bổ sung bởi vị giòn giòn của măng, sực sực của mộc nhĩ tạo. Tùy địa phương và thời điểm, bánh được cải tiến dùng với chấm sền sệt kèm vài loại rau thơm kích thích khẩu vị.

5. Bánh ít trần

Ít ai biết, bánh ít trần, hay còn gọi vắn tắt là bánh ít, xuất nguồn từ hội thi làm bánh dân gian ở miền Tây. Khác với các loại bánh kể trên, bánh ít thường chỉ ăn không, vì phần nhân dù là ngọt hay mặn đều được chế biến công phu với hương vị đậm đà, không cần kết hợp với bất kì loại nước chấm hay phụ phẩm nào khác.

Điểm khác biệt làm nên vị thế của bánh ít chính là công đoạn nhồi bột nếp. Có thể đánh giá, khâu nhồi bột trở thành một nét nghệ thuật kỳ công trong suốt quá trình làm bánh. Chọn loại gạo nếp thượng hạng, sau đó ước lượng nước phù hợp, trộn đều rồi dùng tay nhồi bột. Bánh ngon là khi vỏ bánh vừa dẻo, mềm mịn, trông mỡ màng và hoà tan trong miệng. Phần nhân ngọt thường là đậu xanh nhuyễn, hoặc những sớ dừa ngọt bùi được bọc bên trong lớp vỏ bột. Nhân mặn thì cầu kì hơn, là tổ hợp của thịt heo, tôm tươi hoặc tôm khô, nấm mèo, củ sắn, tất cả được băm nhuyễn và có khi thêm lòng đỏ của hột vịt muối.

Với phong vị ẩm thực đa dạng, Monngon.vn vừa gợi ý cho các bạn những món ăn đậm nét truyền thống Việt Nam, phổ biến và mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Đây sẽ là một trong những gợi ý mới lạ để bạn có thể cùng thưởng thức với bạn bè, hoặc giới thiệu rộng rãi đến những người bạn nước ngoài về văn hoá ẩm thực nước ta.