TOP 5 MÓN CHÈ ĐƯỢC ƯA CHUỘNG NHẤT SÀI GÒN!

 TOP 5 MÓN CHÈ ĐƯỢC ƯA CHUỘNG NHẤT SÀI GÒN!

Bỗng nhiên thèm đồ ngọt nhưng không biết ăn gì? Cùng nghía qua danh sách 5 món chè huyền thoại không bao giờ chán này nhé! 

Chè Bưởi

Chè bưởi là một món tráng miệng khá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Điểm đặc trưng của loại chè này là vị ngọt mát, dễ ăn. Bởi vậy, chè bưởi là món tráng miệng rất hợp với mùa hè Chưa kể đến phần nếm, chỉ phần nhìn của món chè cũng khiến bạn cảm thấy mát bởi tông màu chủ đạo xanh trắng xuất phát từ nguyên liệu làm chè. Nếu như chưa biết tới chè bưởi bao giờ, bạn sẽ khá bất ngờ vì thành phần chính của loại chè này là cùi bưởi (không phải múi bưởi hay nước ép bưởi như bạn hình dung đâu). Ngoài cùi bưởi ra, chè còn có thêm một ít đậu xanh và nước cốt dừa. Đi dọc các hàng quán chè đường phố ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, bạn sẽ dễ dàng có cho mình một ly chè bưởi mát lạnh. Nhiều người có sở thích ăn nóng nữa, nhưng dù ăn theo cách nào thì chè bưởi vẫn có hương vị đặc trưng riêng. Điển hình là cảm giác cắn trúng một miếng cùi bưởi giòn giòn, ngọt ngọt và để vị bưởi dần thoảng ra trong khuôn miệng. Chính vì thế mà nhiều người thích mê mệt món chè dân dã này. Nếu bạn ngại đi hàng quán thì có thể tự tìm hiểu và làm cho mình một nồi chè bưởi thơm ngon tại nhà nữa đấy. Với một chút tỉ mẩn trong khâu chế biến và loại bỏ vị đắng trong cùi bưởi, chúng ta có thể thực hiện món tráng miệng rất ngon này tại nhà, hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh.

Chè Thưng

Chè thưng (hay còn gọi là chè bà ba) cũng là món ăn phổ biến ở Nam Bộ không thua gì chè bưởi. Tuy nhiên, đặc trưng của món chè này khác hoàn toàn khi điểm cuốn hút của nó nằm ở vị bùi bùi.. Kể sơ sơ, chè Thưng bao gồm đủ các thành phần bùi ngọt khiến bạn ngất ngây bởi độ bùi và ngọt bao gồm đậu xanh, đậu phộng, hạt sen, mộc nhĩ, khoai mỳ, khoai lang… được nấu chung với nước cốt dừa. Món chè này được cho là ngon bổ rẻ bởi tác dụng thanh lọc cơ thể nhờ đậu xanh và giúp bạn ngủ sâu hơn nhờ hạt sen.Nhiều giai thoại cho rằng cái tên chè Bà Ba xuất phát từ một người phụ nữ tên Ba bán chè ở chợ Bình Tây. Nhưng cũng có nhiều ý kiến nói rằng cái tên gọi chè bà ba cũng xuất phát từ độ dân dã của chè, vì vị của nó mộc mạc, gần gũi như hình ảnh cô gái mặc áo bà ba ở miền Tây Nam bộ vậy. 

Chè Chuối

Món chè này phải nói là quá quen thuộc với người dân Việt Nam ở tất cả mọi vùng miền rồi. Đúng như tên gọi, chè làm từ chuối và nước cốt dừa, một vài nơi còn cho thêm vào bột báng, khoai lang, bí rợ,… để ăn cho vui miệng và giúp chè đặc hơn. Loại chuối chuẩn để làm chè phải là chuối Xiêm vừa chín tới, vì nếu chuối chín ép hay vừa chín tới sẽ khiến bạn cảm thấy chát khi ăn. Ngoài ra, bí quyết làm nên thương hiệu của chè chuối hiện đại là nước cốt dừa nấu cùng chè, bởi nếu ăn chuối không thôi thì cũng khá chán đấy.Thử tưởng tượng xem, cắn một miếng chuối chín mềm, húp thêm chút nước cốt dừa béo ngậy với độ ngọt vừa phải, đảm bảo bạn vét sạch hết chén chè lúc nào không hay cho mà xem. Lưu ý là chè chuối thường được ăn nóng nhé, như vậy mới cảm được độ béo và ngọt thanh của chè một cách trọn vẹn nhất.

Chè đậu xanh phổ tai

Đây là quán quân của độ thanh mát trong mùa hè bởi sự kết hợp giữa đậu xanh và phổ tai. Đậu xanh chứa rất nhiều các dưỡng chất cho cơ thể của chúng ta, bao gồm chất xơ, vitamin E, B, C, axit béo omega 3, protein và rất nhiều các khoáng chất khác. 

Về phổ tai, đây là tên một loại rong biển khá phổ biến dùng để nấu chè với điểm đặc trưng là chứa hàm lượng khoáng chất rất cao. Sự kết hợp này tạo nên một món ăn giải nhiệt vô cùng bổ dưỡng và thanh mát cho mùa hè. Chè đậu xanh phổ tai sẽ ngon hơn nếu bạn ăn lạnh, đặc biệt, vài người còn thích bỏ thêm chút nước cốt dừa khi nấu để chè béo hơn. Với nguyên liệu dễ kiếm vfa quá trình nấu đơn giản, bạn cũng có thể tự làm cho mình một nồi chè ngon lành thay vì lê la hàng quán đó.

Chè thập cẩm

Phải nói chè thập cẩm đúng là ông trùm của làng chè. Đúng như tên gọi của mình, món chè này tích mỗi thứ một ít, vừa đúng thành phần vừa đủ liều lượng để tạo ra một món tráng miệng hòa quyện và đầy thỏa mãn. Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có cách nấu chè thập cẩm khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn là sự hội tụ của các loại đậu, vì thế mà độ bùi ngọt của chè thập cẩm cũng không thua gì chè thưng cả. Đặc biệt, quy trình nấu chè thập cẩm khá công phu khi các loại nguyên liệu được nấu riêng lẻ với nhau, đến khi ăn mới cho chung vào một bát. Cũng giống như các  loại chè khác, chè thập cẩm thương được ăn chung với nước dừa và đá bào, có nhiều nơi còn thêm cả vài loại thạch hoặc sương sa hột lựu, dừa khô để nhìn bắt mắt hơn.

Trên đây là 5 món chè phổ biến nhất ở Sài Gòn nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung. Giữa văn hóa du nhập từ Hàn Nhật lẫn Tây phương, người ta ngày càng có nhiều sự lựa chọn với vô số món chè độc lạ. Tuy nhiên, những món ăn đậm chất miền Nam dẫn dã này vẫn chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong trái tim người sành ẩm thực và luôn là những lựa chọn hàng đầu khi nhắc tới chè.