MÊ MẨN VỚI ẨM THỰC HỘI AN – MỘT LẦN NHỚ MÃI
Hội An được công nhận là một di sản văn hoá thế giới không chỉ bởi những công trình kiến trúc độc đáo, lưu giữ được chất thơ và màu sắc lịch sử dân tộc trong suốt rất nhiều năm qua; mà còn là sự giao thoa văn hóa ẩm thực Việt – Hoa, tạo sắc thái riêng, hết sức độc đáo. Đó là những món ăn mang tinh thần người Hoa nhưng yếu tố thể hiện là phong cách người Việt.
Dưới đây là những món ăn nổi tiếng làm nên tên tuổi Phố cổ được nhiều thực khách du lịch tìm đến thưởng thức cùng với sự nhớ nhung, lưu luyến.
1. Cao lầu Hội An
Đặc sản Hội An không thể thiếu cao lầu. Với sợi mì màu vàng đục, thoạt nhìn trông giống mì Quảng, nhưng sợi mì Cao lầu được chế biến kỳ công hơn rất nhiều. Gạo thơm ngâm nước tro nấu củi lấy ở Cù lao Chàm, khi ngâm sợi mì mới có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa, cắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì.
Khi ăn cao lầu, vị giòn sựt của sợi mì hòa quyện với vị ngọt của thịt, béo ngậy của tóp mỡ, mùi thơm của rau sống và các loại gia vị khác…Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Chính vì tính chất đặc trưng của sợi mì và hương vị tinh chọn của nước dùng, dần dà Cao lầu trở thành món ăn phổ biến và rất nổi tiếng tại phố Hội An.
2. Mì Quảng
Đúng với tên gọi, loại mì này có nguồn gốc từ Quảng Nam, sợi mì được làm từ gạo nhưng có chút khác biệt trong quá trình chế biến. Nước gạo tốt được ngâm mềm, xay thành bột mịn, pha thêm ít phèn sa để tạo độ giòn rồi tráng thành lá mì. Khi chín thì thoa thêm lớp dầu để không bị dính rồi cắt sợi.
Nước dùng được hầm từ thịt heo, hoặc gà, nên mùi vị sẽ thanh đạm và ít béo hơn so với hầm xương bò. Mì Quảng ăn kèm với rau diếp cá, húng quế.. đặc biệt từ vùng Trà Quế, nổi tiếng nằm ở phía Đông Bắc phố Hội An.
Mì Quảng hiện nay được yêu thích và bày bán rất nhiều tại các vùng khác, nhưng sợi mì và cách chế biến nước dùng không đậm đà và nhiều mùi vị cay, chát, ngọt, đắng… của tô mì Quảng Hội An.
3. Bánh đập hến xào
Bánh đập là loại bánh dân dã ở Quảng Nam. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Miếng bánh đập giòn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng rất hấp dẫn ở Hội An.
Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Kết hợp một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, ở giữa cho nhân đậu xanh nhuyễn và mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá vào cùng. Tiếp đó dùng tay đập nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, vị bánh khi ăn không bị nát hay mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo.
Bánh ăn kèm với nước chấm và chút đồ chua. Nước chấm pha từ nước mắm nguyên chất, thêm dứa băm, hành phi và tỏi ớt. Bánh đập hến xào là một trong những món làm nên phong vị truyền thống Hội An, thực khách đừng bỏ qua trải nghiệm này nhé!
4. Bánh xèo
Bánh xèo là một món ăn dân dã đặc trưng của Việt Nam, tuy nhiên tùy vùng miền mà bánh xèo mang những hương vị và chế biến cũng khác nhau. Sự cuốn hút của món ăn này là nhờ vào vị giòn tan của bột gạo, mùi thơm của bột nghệ, vị béo bùi của nước cốt dừa, hòa lẫn các loại của rau thơm, bên cạnh đó là phần nhân chế biến từ tôm (có thể thay thế bằng thịt bò, mực). Tôm đất mập mạp, tươi rói, thịt ngọt là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên bánh xèo Hội An.
Ngoài ra, nước chấm được chế biến khá kỹ với nước tương trộn mè, gan heo, đậu phộng xay nhuyễn, pha thêm ít bột gạo và gia vị. Phần nước chấm công phu này quyết định độ ngon của món ăn.
Bánh phải ăn nóng mới đúng điệu, chiên đến đâu ăn đến đấy. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, ngồi trong quán thưởng thức bánh xèo thơm phức và nóng hổi sẽ rất thú vị. Khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay.
5. Bánh bao – bánh vạc
Bánh vạc, hay còn được gọi là bánh hoa hồng trắng, thuộc họ dimsum, có nguồn gốc từ Trung Hoa và du nhập vào Việt Nam, được biến tấu theo thời gian và đến nay trở thành một món ăn nổi tiếng tại Hội An. Thông thường, bánh bao và bánh vạc bày chung một đĩa vì hai loại này ăn kèm với nước chấm cùng công thức pha chế.
Bánh bao, bánh vạc có nguyên liệu chính là loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, rồi xay mịn, lọc nhiều lần qua nước; sau đó bột được nặn thành vỏ bánh. Nhân bánh bao thì làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị.
Bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả. Từng chiếc bánh vạc được chế biến theo 2 cách, một là làm chính phần nhân rồi cho vào bánh, một là gói nhân sống rồi hấp chung với bánh.
Ẩm thực địa phương là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên được sự đặc sắc cho văn hóa của Hội An. Các món bánh trên góp một phần không thể thiếu trong việc duy trì và bảo tồn nét văn hóa ẩm thực đặc sắc ấy. Hãy đến tận nơi để chính mình tự khám phá hết sự thú vị đặc biệt ấy bạn nhé!