BÁNH CHƯNG XANH – CỘI NGUỒN ẨM THỰC NGÀY TẾT VIỆT
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
Trong khi một vài đặc trưng trong vế đối trên như cây nêu, tràng pháo, câu đối đỏ đã trở thành hoài niệm thì bánh chưng vẫn đang trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc và là yếu tố không thể thiếu trong mâm cơm tân niên. Thứ bánh này tuy dân dã mộc mạc nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về tinh thần và văn hóa Việt mà không phải ai cũng biết. Vậy cùng tìm hiểu cặn kẽ hơn những câu chuyện ẩn chứa trong bánh chưng qua bài viết dưới đây, bao gồm cả cách để làm ra những chiếc bánh chưng chuẩn vị truyền thống nhé!
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA DÂN TỘC CỦA BÁNH CHƯNG
Bánh chưng là một trong những loại bánh có nguồn gốc lâu đời nhất của nước ta mà vẫn giữ được hương vị, đặc trưng như những ngày đầu. Sự tích kể rằng bánh chưng có từ thời vua Hùng thứ 6, do người thứ mười tám của vua là Lang Liêu dâng lên cho cha trong cuộc đua truyền ngôi dịp xuân. Trong khi những người con trai khác đua nhau tìm của ngon vật lạ, thì Lang Liêu sau khi nằm mơ được mách bảo bởi một vị thần rằng: “Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”, đã quyết định tự tay làm ra những chiếc bánh từ nếp, đậu xanh, thịt heo dâng lên cha. Cũng chính bởi cái lạ, cái ngon và cái ý nghĩa đong đầy trong từng chiếc bánh mà Lang Liêu đã thuyết phục được vua cha và trở thành vị vua Hùng Cũng từ đó, cứ Tết nguyên đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội,… dân ta lại làm bánh chưng bánh dày để cúng tổ tiên, Trời Đất.
Từ sự tích, người ta kể rằng, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất hình vuông, bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Đối với một dân tộc có nền văn hóa lúa nước phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thì đây chính là thứ bánh dâng cúng để thể hiện biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, bánh chưng là mẹ, bánh dày là cha, phần lá bọc ngoài chính là hình ảnh cha mẹ bao bọc và che chở con cái. Thế nên, hai thứ bánh còn thể hiện được chữ hiếu của bậc con đối với công ơn sinh thành của cha mẹ.
Trong những ngày Tết gia đình sum vầy, bánh chưng cũng chính là yếu tố gắn kết cá thành viên lại với nhau. Quây quần lau lá, gói bánh, ngồi bên đống lửa thủ thỉ những câu chuyện xưa chờ bánh chín và cùng thưởng thức mâm cơm nhà sau một năm vất vả với chiếc bánh chưng xanh giữa bán, bánh chưng là sợi dây vô hình giúp mỗi người xích lại gần nhau hơn. Không những có ý nghĩa văn hóa và tinh thần, bánh chưng còn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Với thành phần là gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo,… bánh chưng cung cấp nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể giúp thanh mát giải nhiệt, cung cấp tinh bột bồi bổ gan… Chính những ý nghĩa đó mà bánh chưng luôn được người Việt trân trọng và yêu mến.
CÁCH LÀM BÁNH CHƯNG CHUẨN HƯƠNG VỊ CHA ÔNG
Bánh chưng mang nhiều ý nghĩa quan trọng như thế, nếu không biết làm thứ bánh này để ngày Tết thêm đong đầy thì sẽ thật uổng phí. Cách làm bánh chưng truyền thống dưới đây sẽ giúp bạn khắc phục điều đó.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Gạo nếp: thường chọn gạo thu hoạch vụ mùa vì mới thu hoạch nên gạo có hạt to, tròn, dẻo hơn. Nếp thường được chọn là nếp cái hoa vàng hay nếp nương.
- Thịt ba chỉ (ba rọi): chọn miếng thịt có mỡ nạc cân bằng để nhân bánh có vị béo đậm đà, không khô bã. Thịt được chọn nên tươi ngon, an toàn. Có thể mua thịt ở siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm như MEATDeli để đảm bảo chất lượng và bảo quản lâu hơn.
- Đỗ xanh (đậu xanh): nên lựa chọn đỗ tròn đều, thơm và được sàng sẩy sạch sẽ
- Lá gói bánh: người ta hay dùng lá dong để gói bánh, tuy nhiên tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít, lá chuối hay thậm chí cả lá bàng.
- Lạt buộc: lạc thường dùng là lạc giang, tuy nhiên bạn cũng có thể dùng lạc tre mềm để thay thế.
- Gia vị: hành tím, hạt tiêu, muối, hạt nêm.
Sơ chế nguyên liệu
- Lá dong: rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô (rửa càng sạch thì càng đỡ mốc về sau). Trước khi gói, dùng dao thái bỏ bớt cuống dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói).
- Gạo nếp: vo sạch gạo, loại bỏ hết những hạt gạo loại khác, sành, sỏi lẫn vào rồi ngâm trong ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 10-12 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo.
- Đỗ xanh: Giã nhuyễn, sau đó ngâm trong nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Thêm vào một ít muối và trộn đều.
- Thịt heo: rửa sạch để ráo rồi cắt thịt thành từng miếng cỡ từ 2,5 đến 3 cm sau đó ướp với hành tím xắt mỏng, muối, tiêu, hạt nêm và để khoảng hai giờ cho thịt ngấm. Lưu ý: Để bảo quản bánh lâu hơn, không dùng nước mắm để ướp thịt.
Gói bánh
Có hai cách là gói bằng tay không hoặc gói bằng khuôn gỗ có sẵn kích thước 20cm x 20cm x 7cm.
Đối với gói bánh tay không
- Xếp lạt thành hình chữ thập xen kẽ xuống mâm gói bánh
- Đặt 2 chiếc lá dong lên trên lạt, nằm chồng 1/2 theo chiều dài lá lên nhau, chú ý phải quay mặt trên của 2 lá ra phía ngoài và mặt kém xanh hơn (mặt dưới) vào trong. Lượt sau: 2 lá rải như lượt đầu nhưng vuông góc với lượt đầu, chú ý là lần này lại phải làm ngược lại, quay mặt trên lá (xanh hơn) lên trên, mặt kém xanh hơn, úp xuống dưới.
- Cho 1 bát đầy gạo nếp vào tâm của hình chữ thập, dùng tay gạt đều, tạo hình vuông mỗi cạnh 20 cm, rồi cho 1 nắm đỗ xanh bóp nhẹ và rải lên bề mặt gạo (cách bìa gạo khoảng 1,5cm)
- Tiếp đến lấy 1, 2 miếng thịt ba chỉ tùy cỡ đã thái rải đều vào giữa bánh rồi lấy tiếp 1 nắm đỗ xanh nữa bóp nhẹ rải đều phủ lên trên thịt.
- Xúc 1 bát gạo nếp đổ lên trên và phủ khỏa đều, che kín hết thịt và đỗ.
- Gấp đồng thời 2 lá dong lớp trên vào, vừa gấp vừa vỗ nhẹ để tạo hình khối vuông. Tiếp tục gấp đồng thời 2 lá dong lớp dưới vào như lớp trên, vừa gấp vừa lèn chặt nhẹ tay để tạo hình.
- Cuối cùng dùng lạt buộc xoắn lại tạo thành hình chữ thập.
Đối với gói bánh bằng khuôn: Tiến hành tương tự như gói bằng tay không. Tuy nhiên, cắt tỉa bớt lá dong cho gọn, vừa với kích thước khuôn. Đặt từ 4 lớp lá vào trong khuôn: 2 lá xanh quay ra ngoài xếp tại 2 góc đối xứng nhau, và 2 lá xanh quay vào trong để tạo màu cho bánh.
Lưu ý:
- Gói bánh bằng khuôn sẽ đều, đẹp và chặt hơn, còn gói bánh bằng tay không sẽ nhanh và tiện hơn.
- Bánh được gói tay không thì mặt trên lá được quay ra ngoài, còn với bánh có khuôn thì mặt dưới lá lại được quay ra ngoài.
Luộc bánh
- Dùng nồi to, dày, đủ để làm ngập nước hết số lượng bánh đã gói để nấu.
- Rải cuống lá dong xuống dưới kín đáy nhằm mục đích tránh cho bánh bị cháy.
- Xếp từng lớp bánh theo chiều thẳng đứng, đổ ngập nước và đậy nắp vung nấu trong vòng 8 -12 tiếng. Những chiếc bánh ở trên có thể được lật giở để giúp bánh chín đều hơn, tránh tình trạng bị lại gạo sau này.
- Trong quá trình đun, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh. Trong lúc luộc từ 4 đến 5 tiếng, có thể lấy bánh ra, ngâm trong nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ rền, ngon hơn.
- Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn và phẳng đều trong vài giờ. Sau đó treo bánh lên hoặc để chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.
Thưởng thức
- Bánh chưng lúc ăn sẽ được bày ra dĩa và cắt thành các miếng đều nhau (thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó).
- Bánh chưng ăn cùng với dưa hành, nước mắm hoặc nước tương rắc chút bột tiêu. Ra Tết, bánh có thể bị cứng, bị lại gạo, lúc này người ta đem bánh rán trong chảo mỡ và ăn kèm với dưa góp.
Đối với mỗi cá nhân người Việt, mỗi khi nhắc về bánh chưng là nhắc về lòng tự hào về văn hóa và truyền thống dân tộc. Thưởng thức miếng bánh chưng thơm lừng mùi nếp, béo ngậy bùi bùi thịt heo đậu xanh cùng hương cay nồng của tiêu và dưa hành thì không còn gì bằng. Thế nên ngày Tết, bánh chưng đóng những vai trò đặc biệt quan trọng nên làm gì cũng không thể thiếu nó trong mâm cỗ. Vậy chúc bạn thành công khi làm những chiếc bánh chưng đậm đà hương vị vào ngày Tết cổ truyền nhé!