Phanh phui rau VietGAP dỏm: Mua chứng nhận VietGAP dễ như mua rau?

 Phanh phui rau VietGAP dỏm: Mua chứng nhận VietGAP dễ như mua rau?

Trưởng phòng Tr. (trái) và nhân viên L. của Công ty VietPAT chia sẻ có thể hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP nhưng không cần gửi mẫu (rau, đất, nước) để kiểm tra – Ảnh: BÔNG MAI

TTO – Nhiều cơ sở mua rau, củ ngoài chợ rồi dán nhãn rau, củ VietGAP. Và theo ghi nhận, dù không nhận gửi mẫu đất, nước và rau để kiểm nghiệm, nhiều đơn vị khẳng định sẽ cấp được chứng nhận VietGAP một cách nhanh chóng…

logo muavietgap 2 4read only 1663816529450680493402

Tiêu chuẩn VietGAP – “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở VN” – sản phẩm an toàn – do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Để lấy chứng nhận này tưởng khó nhưng thực tế lại dễ như… mua rau.

Không gửi mẫu kiểm nghiệm vẫn được cấp VietGAP?

Trong vai người có nhu cầu sở hữu chứng nhận VietGAP, chúng tôi tới văn phòng Công ty CP công nghệ và công bố chất lượng VietPAT (đường Nguyễn Sỹ Sách, quận Tân Bình, TP.HCM), trụ sở chính đặt tại Đà Nẵng.

Ngoài dịch vụ hỗ trợ khách hàng có chứng nhận VietGAP trồng trọt – thủy sản – chăn nuôi, doanh nghiệp này còn hỗ trợ để khách có chứng nhận hữu cơ, sản phẩm thân thiện môi trường, nhãn xanh…

Sau khi trao đổi một lúc, L. (nhân viên kinh doanh) cho biết chỉ cần nộp hồ sơ gồm giấy phép kinh doanh, số liệu về quy mô vườn rau củ và gửi tới văn phòng này mẫu đất, nước, cây rau củ để thử nghiệm là có thể được cấp giấy chứng nhận VietGAP. “Thủ tục đơn giản, giấy chứng nhận nhanh, không qua đào tạo”, L. nói. Khi nghe chúng tôi bày tỏ lo lắng về nguy cơ mẫu rau của vườn trồng không đạt tiêu chuẩn VietGAP, L. cho biết: “Bên em cố gắng hỗ trợ trong khả năng cho phép, điều chỉnh xê dịch một chút xíu”.

Nhận thấy chúng tôi vẫn chưa yên tâm, một người tên Tr. (trưởng phòng kinh doanh) tới trấn an và chỉ cách “lách luật”: “Những khách hàng mà bọn em làm trước, về đất với nước, mình lấy kiểm nghiệm hầu như kết quả không bao giờ rớt. Còn rau, tụi em hay bày họ vô trong siêu thị mua loại rau đã có trong đó, mình đi kiểm nghiệm, nó đạt”.

Khi nghe chúng tôi cần có giấy chứng nhận gấp để đưa rau vào bán trong siêu thị, nếu phải gửi mẫu (nước, đất, rau) tới công ty này để bộ phận kỹ thuật thử nghiệm sẽ tốn thêm thời gian, anh L. đồng ý sẽ tự lo khâu này.

Theo đó, chúng tôi chỉ cần chuyển phí tổng cộng 25 triệu đồng, gồm 20 triệu đồng giấy chứng nhận, 2 triệu đồng phí thử nghiệm đất, nước và 3 triệu đồng phí thử nghiệm hai mẫu rau củ. Như vậy, chúng tôi chỉ cần gửi giấy phép kinh doanh và khai thông tin, còn lại kể cả mẫu để thử nghiệm công ty cũng lo cho.

Nhân viên tư vấn cũng cho biết khi được cấp giấy chứng nhận VietGap rồi cứ yên tâm đưa hàng vào bán trong siêu thị, vì siêu thị không kiểm lại, chỉ khi lô rau củ xuất đi nước ngoài mới bị kiểm lại. Giấy chứng nhận VietGAP có giá trị ba năm kể từ ngày cấp.

Theo quy định, mỗi năm sẽ có bộ phận xuống vườn kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu phát hiện sai phạm nặng sẽ bị cắt giấy chứng nhận. Tuy nhiên, nhân viên L. trấn an rằng: “Thật sự họ không có xuống”, “không tới vườn”.

Theo đó, khoảng 2 – 3 ngày trước khi đến thời gian giám sát, cơ sở sẽ được công ty thông báo, sau đó “khai online” và nộp phí giám sát khoảng 6 triệu đồng. “Cái đầu khó như thế này mà mình cũng làm được thì cái đó (việc giám sát – PV) nó chỉ mang hình thức thôi”, L. nhấn mạnh.

Ngỏ ý cũng có nhiều người quen có nhu cầu làm giấy chứng nhận VietGAP, nhân viên của công ty này cho biết người giới thiệu sẽ được chiết khấu 5% trên giá trị hợp đồng cho lần đầu hợp tác, những lần sau áp dụng 7%, đồng thời cho biết mỗi tháng có tới cả trăm đơn vị đến làm giấy chứng nhận tại công ty này.

220922 chung nhan vietgap 16638116844641931263564

 

Giám sát chất lượng chỉ là hình thức

Tại một đơn vị khác là Công ty CP chứng nhận quản lý và chất lượng sản phẩm GreenCert (chi nhánh Yên Thế, quận Tân Bình), sau khi nghe chúng tôi trình bày nhu cầu cần có giấy chứng nhận VietGAP gấp, một người tên Th. – xưng là giám đốc chi nhánh – cho biết sẽ hỗ trợ bằng cách “đánh giá online cho nhanh”.

Theo đó, chỉ cần gửi mẫu (đất, nước, rau của vườn) tới văn phòng này, chứ đơn vị không cử nhân viên đến vườn vì “mất thời gian xử lý”.

“Anh xem xét cái gì cần, yêu cầu bên em cung cấp mức tối thiểu để đáp ứng quy định pháp luật là được”, ông Th. cho hay.

Giải thích lý do khá cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin, thậm chí yêu cầu chúng tôi cung cấp giấy đăng ký kinh doanh trước khi gặp mặt, ông Th. phân trần rằng: “Nhiều lúc hay nhạy cảm, có những tổ chức chứng nhận đóng vai khách hàng, gặp nhiều luôn, mình nhiệt tình nhưng họ đóng vai khách hàng tới phá mình”.

Dù khẳng định “mình đánh giá chứng nhận, nói thẳng không phải mua bán giấy” nhưng ông Th. cho biết sẽ được rút ngắn quy trình hồ sơ, đào tạo để được cấp chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, công ty sẽ gửi các mẫu thiết kế sẵn và in ra các tấm biển có nội dung chia khu vực sản xuất rau, khu vực để dụng cụ, khu vực xử lý phân bón… để cắm vào trong vườn.

“Không làm, không áp dụng cũng làm biển đó để ghi lại bằng chứng áp dụng. Hình thức cũng được nhưng phải in biển mica (…). Khi nào kiểm tra thì có đầy đủ bằng chứng”, ông Th. hướng dẫn.

Để hiểu rõ hơn về quy trình cấp chứng nhận VietGAP, chúng tôi gọi vào số điện thoại trên website của Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Chất Lượng Việt và được gặp bà H. (đang làm việc tại Đà Nẵng), tự giới thiệu là giữ vị trí phụ trách dịch vụ khách hàng của công ty và kết nối chúng tôi với tư vấn viên tên Th. tại TP.HCM để trao đổi trực tiếp.

muavietgap 1 1read only 16638117059681823103281
Trưởng phòng Tr. (trái) và nhân viên L. của Công ty VietPAT chia sẻ có thể hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP nhưng không cần gửi mẫu (rau, đất, nước) để kiểm tra – Ảnh: BÔNG MAI

Gặp Th. tại một tòa nhà trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), sau khi được nghe chúng tôi trình bày, Th. cho biết quy trình chuẩn là 1,5 – 2 tháng mới làm xong giấy chứng nhận VietGAP, nhưng nếu cần gấp vẫn có thể rút xuống còn khoảng 25 ngày. Giấy chứng nhận VietGAP có thời hạn ba năm, trong suốt khoảng thời gian đó, công ty sẽ tới kiểm tra giám sát hai lần.

Nhưng khi được hỏi “trong ba năm chỉ giám sát hai lần, vậy khoảng thời gian còn lại có giám sát gì thêm, nếu người sản xuất làm trái quy định thì làm sao biết, ai chế tài?”, Th. cho biết trước giờ ít khách hàng nào quan tâm vấn đề này nên không rành và xin phản hồi sau.

Gọi điện cho bà H. để hỏi thêm thông tin từ cấp cao hơn, chúng tôi được xác nhận là trong 25 ngày có thể cấp được giấy chứng nhận VietGAP và trong ba năm sẽ giám sát hai lần.

Cụ thể, thời gian giám sát lần đầu không quá 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận và bên công ty sẽ tới giám sát vườn rau củ nhưng sẽ báo sớm để khách hàng linh động sắp xếp.

Ngoài ra, công ty cũng có kiểm tra đột xuất nhưng “Kiểm tra xác suất, chứ không kiểm tra toàn bộ danh sách khách hàng được, vì chị biết đó, tụi em cũng kinh doanh mà. Doanh nghiệp dịch vụ đi kiểm tra khách hàng của mình nên dù có kiểm tra cũng không phải phạt tiền nếu sai phạm”.

* TS Nguyễn Hữu Huân (giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM):

Cần chặn ngay việc mua, bán chứng nhận VietGAP

Nhiều người dân vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và thấy sản phẩm có chứng nhận VietGAP sẽ tin tưởng và mua.

Việc mua bán lòng tin bằng các chứng chỉ không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp làm ăn bài bản.

Do đó, phải ngăn chặn việc các đơn vị phát hành chứng chỉ VietGAP và các chứng chỉ khác liên quan đến an toàn thực phẩm tổ chức bán chứng chỉ.

Cơ quan quản lý cần hậu kiểm, kiểm tra đột xuất khu vực vườn – ao – chuồng đã được cấp chứng nhận VietGAP, xét nghiệm đột xuất các mẫu rau củ, thủy sản, thịt VietGAP được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm… Nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm.

* Ông Nguyễn Như Cường (cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):

Việc cấp giấy chứng nhận tràn lan là gian lận thương mại

Trong lĩnh vực trồng trọt, theo số liệu không đầy đủ, có trên 40 tổ chức công nhận chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực VietGAP. Trong đó, Cục Trồng trọt cấp cho 12 tổ chức, còn trên 30 tổ chức do Bộ KH-CN hoặc Cục Quản lý chất lượng cấp.

Tình trạng tràn lan việc cấp giấy chứng nhận VietGAP như báo Tuổi Trẻ phản ánh là vấn đề gian lận thương mại, chứ không phải cấp tràn lan từ cơ quan quản lý như Bộ NN&PTNT (Cục Trồng trọt và Cục Quản lý chất lượng cấp), Bộ KH-CN. Khi các tổ chức đảm bảo đủ các yêu cầu theo nghị định 107/2016 của Chính phủ ban hành thì mới được cấp.

Cấp tràn lan theo báo Tuổi Trẻ ghi nhận là vấn đề gian lận thương mại. Tôi khẳng định việc cấp giấy chứng nhận nếu phù hợp, không có chuyện bỏ tiền ra mua. Phải đủ điều kiện theo nghị định 107 mới được cấp. Nếu các tổ chức được cấp quyết định công nhận sự phù hợp VietGAP mà cấp không đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGAP sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ cấp chứng nhận VietGAP không lấy phí, đủ hồ sơ thủ tục thì cấp. Khi được chỉ định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp, các tổ chức này sẽ hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu được cấp chứng nhận VietGAP theo quy định. Giá cả là thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Đây là thỏa thuận chứ không có giá cứng nào cả.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ