KHÁM PHÁ NGUỒN GỐC CÁC MÓN ĂN NỔI TIẾNG VIỆT NAM

 KHÁM PHÁ NGUỒN GỐC CÁC MÓN ĂN NỔI TIẾNG VIỆT NAM

Nền ẩm thực phong phú của Việt Nam đã tạo được dấu ấn riêng biệt và được nhiều thực khách trong và ngoài nước yêu thích. Hơn nữa, rất nhiều món ăn nổi tiếng, thậm chí còn quảng bá và bày bán tại nhiều cửa hàng trên khắp các châu lục. Nhưng không phải món ăn nào cũng có nguồn gốc từ Việt Nam. Nền ẩm thực giao thoa, một số đặc sản du nhập vào Việt Nam, sau quá trình biến tấu để thích hợp với khẩu vị người Việt, lại khoác lên phong vị đặc sắc và hấp dẫn hơn, tạo nên “bộ dạng” mới với sức ảnh hưởng mạnh mẽ như hiện nay.

1. Súp.

KHÁM PHÁ NGUỒN GỐC CÁC MÓN ĂN NỔI TIẾNG VIỆT NAM

Trước thế kỉ XVI, súp được ra đời tại Pháp, loại thức ăn ở dạng lỏng, làm từ nhiều nguyên liệu kết hợp như thịt, cá, rau, đậu hoặc trái cây. Súp là món ăn thường xuất hiện trong phần khai vị của nhiều bữa tiệc, hoặc làm điểm tâm trong bữa cơm kiểu Âu, vì nó kích thích vị giác và “lôi cuốn” mọi người vào những món chính trong bữa.

Trong ẩm thực truyền thống của Pháp, súp được phân thành hai dạng chính: súp trong và súp dày. Độ dày của súp tuỳ thuộc vào thành phần và liều lượng mà người chế biến có thể lựa chọn như nước sốt bechamel, trứng, gạo, đậu lăng, bột mì và ngũ cốc; nhiều loại súp phổ biến cũng bao gồm bí đỏ, cà rốt, khoai tây… Riêng súp của người châu Á, đặc biệt là Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ các loại súp đặc của Trung Quốc, đa phần xúp sử dụng bột sắn hoặc bột năng hòa với nước lã rồi khuấy từ từ trong súp để tạo độ sánh đồng nhất. 

Ngày nay, món ăn này vô cùng phổ biến và được người Việt ưa chuộng. Món súp có thể được bày biện trên bàn tiệc, làm món khai vị cầu kỳ, kích thích vị giác, nhưng cũng có thể là bữa điểm tâm, món ăn nhẹ dân dã được bày bán khắp các con phố.

2. Bò lúc lắc.

Bò lúc lắc là món thịt bò được cắt thành từng viên xúc xắc, chế biến bằng phương pháp áp chảo với cà chua, dưa leo, ớt chuông và nước tương Việt Nam, lấy cảm hứng từ Pháp. Ở Campuchia, có một món ăn được gọi là Lok lak. Đây là một phiên bản ẩm thực Campuchia, được ăn kèm cùng rau diếp, dưa leo, cà chua và ngâm vào một loại nước sốt gồm có nước chanh và ớt Kampot đen.

Với cách chế biến áp chảo, thịt bò sau khi được ướp từ 30 đến 60 phút, sẽ được cho vào chảo dầu nóng, đảo nhanh để bên ngoài chín tới, bên trong thịt tái. Có như vậy, món ăn mới thơm ngon, mềm mại và mang hương vị đậm đà. 

Tương tự với món bò lúc lắc, chắc chắn bạn đã thử qua bò bít tết (beef steak). Với hình dáng được cắt lát mỏng và phẳng, thường được cắt vuông góc với các sợi cơ và sau đó được nướng, chiên hai mặt nửa sống nửa chín, kết hợp với các gia vị chuyên dụng như dầu, mỡ, hành tây. Bò bít tết là một món ăn được ưa chuộng tại châu Âu và nhất là châu Mỹ đồng thời cũng là món ăn khá quen thuộc trong phong cách ẩm thực hiện đại của người Việt.

Thông thường bò bít tết được ăn kèm với bánh mì, khoai tây chiên, salad trộn, dưa leo và cà chua bi và bên cạnh ly rượu vang đỏ… Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, món này lại có thể được chế biến cùng với trứng ốp la, xúc xích, pate và một ít chả quế.

Ban đầu, món bít tết này được xếp vào loại thực phẩm thượng hạng, vì nguyên liệu chính được làm từ thịt bò tươi ngon, có giá thành khá đắt đỏ. Nhưng đến nay, món ăn này trở nên phổ biến, gần gũi hơn.

3. Bánh mì.

Bánh mì Việt có một lịch sử phát triển lâu dài, trở thành món ăn dân dã phổ biến trong và ngoài nước, cũng tạo được dấu ấn riêng trên bản đồ ẩm thực thế giới mang đặc trưng thương hiệu Việt. Nhưng ít ai biết, bánh mì thật ra có nguồn gốc từ Pháp, được du nhập vào Việt Nam từ năm 1859, với tên gọi là bánh mì baguette.

Năm 2017, theo bảng xếp hạng từ website du lịch uy tín của Úc traveller.com.au, bánh mì Việt Nam được xướng tên trong bảng xếp hạng 10 quốc gia có món sandwich ngon nhất thế giới. 

Đến năm 2014, nhà phê bình ẩm thực David Farley đã trải nghiệm và tìm được lý do bánh mì Việt Nam lại hấp dẫn và trở thành hiện tượng thế giới. Trong bài viết nhan đề “Có phải bánh mì là sandwich ngon nhất thế giới?” đăng trên BBC (Mỹ), bánh mì được cho là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa và ẩm thực, chứa đựng trong đó nét tinh tế của phương Đông lẫn phương Tây.

 Theo Farley, trước đó ở đất Pháp, baguette có kích thước dài, mềm và đặc ruột và chỉ đơn giản cho pate và bơ làm nhân. Sau đó, vào năm 1954, người Việt đã đưa biến thể riêng của món bánh mì kẹp, thêm vào thịt lợn, rau thơm và dưa leo, tạo nên ổ bánh mì đậm chất Việt Nam.

Khi vào Việt Nam, bánh mì baguette trở thành món ăn đường phố tuyệt vời vì có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để tạo ra những món ăn khác nhau, như bánh mì thịt nướng, thịt chả, bột lọc…Khác với của Pháp, bánh mì của Việt Nam nhẹ hơn, mỏng hơn, giòn hơn rất nhiều.

4. Hoành thánh.

Hoành thánh là một món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc, rất phổ biến ở nhiều nước Á Đông. Với hình dạng viên nhỏ vừa ăn, nhân hoành thánh làm từ thịt heo, hải sản và rau băm; được gói trong vỏ màu vàng bằng bột mì, hoặc bột gạo. rồi hấp chín. Hoành thánh có thể được ăn không với nước chấm gia vị, hoặc dùng với mì và nước dùng hầm từ xương heo, xương gà..

Món hoành thánh theo người Hoa du nhập vào Việt Nam vào khoảng thập niên 1930, có khá nhiều cải tiến, thay đổi để hợp với khẩu vị người Việt hơn, không còn hoàn toàn giống với món ăn nguyên gốc Trung Hoa.

 Bên cạnh đó, có những loại bánh có cách chế biến tương tự khá phổ biến, mà ngày nay hay được gọi chung là “dimsum”. Há cảo là món quá quen thuộc bắt nguồn từ Triều Châu, Trung Quốc. Khác với hoành thánh, há cảo với lớp vỏ dai, mềm, có màu trắng hơi trong. Vỏ bánh được làm từ bột gạo, bột tàn mì trộn với một ít bột năng. Nhân há cảo khá đơn giản gồm: tôm băm hoặc cắt nhỏ, thịt băm, gia vị và các loại rau củ theo sở thích.

Các bạn có thể thưởng thức món ăn này ở rất nhiều nhà hàng lớn với hương vị và cách chế biến đậm phong vị Trung Hoa, do chính đầu bếp người hoa kì công thực hiện; hoặc tại các quán ăn bình dân, với đa dạng sự lựa chọn về nhân, chiên hoặc hấp rất ngon miệng.

5. Bánh bao.

Bánh bao là một loại bánh làm bằng bột mỳ có nhân và hấp trong ẩm thực Trung Hoa. Gần giống với loại bánh màn thầu truyền thống của Trung Quốc. Nhân bánh bao được làm bằng thịt và rau. Bánh bao thường được dùng bất cứ bữa ăn nào trong ngày và thường được dùng làm món ăn bữa sáng.

Khi du nhập vào Việt Nam, bánh bao của người Việt thường nhỏ hơn bánh bao Tàu. Thành phần nhân cũng khác, thông thường thì có thịt heo xay, mộc nhĩ, nấm hương, lạp xưởng, trứng cút hoặc trứng muối.Tuy thành phần nhiều và phức tạp, nhưng so với phiên bản Trung Quốc truyền thống có nhiều gia vị và nguyên liệu hơn.

Việt Nam, bánh bao là món điểm tâm sáng rất tiện lợi. Người dân có thể mua bánh bao ở nhiều nơi trên các vỉa hè, chợ hay quán dọc đường.