BÁNH MÌ – MÓN ĂN “ĐÔNG LÀO” VANG DANH THẾ GIỚI
“Đông Lào mood”, “Bánh mì quốc dân” – những cụm từ nổi lên nhanh chóng tại các trang mạng xã hội suốt thời gian qua, thể hiện niềm tự hào và lòng kiêu hãnh của người Việt trước việc các du khách Hàn Quốc chê bai bánh mì xứ mình. Vì sao món ăn đường phố đơn giản như bánh mì lại có thể khiến cả một dân tộc đứng dậy bảo vệ? Vì sao con dân đất Việt nói về bánh mì với sự tự tôn đầy cao quý như thế? Cùng nghía qua một vài lí do nhé!
Bánh mì Việt Nam
Bánh mì – món ăn quen thuộc của người Việt
Trở thành một trong ba từ thuần Việt được đưa vào từ điển Oxford cùng “Áo dài” và “Phở”, “Bánh mì” (banh mi /ˈbɑːn miː/) nằm trong danh sách “Must try” của đa số khách du lịch đến vùng đất chữ S. Một món ăn đường phố tuy đơn giản nhưng có chỗ đứng không hề thấp trong lòng người bản xứ. Người “Đông Lào” luôn tự hào về sự gắn kết của bánh mì với văn hóa đất nước, mang ẩm thực Việt đến một tầm cao mới trong mắt thế giới.
Bánh mì
Bánh mì lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1859, khi thực dân Pháp tiến vào Gia Định bấy giờ. Loại bánh ngũ cốc làm từ bột mì khi ấy nhanh chóng được người Việt chuyền tay nhau và dần được cải tiến để phù hợp với nét văn hóa phương Đông. Đến bây giờ, thật dễ dàng để bắt gặp những chiếc xe cót két di động, mấy quầy bánh nhỏ bên đường hay thậm chí là các quán ăn quạt, điện đầy đủ, phục vụ món bánh quen thuộc trên mọi vùng miền. Cái ngon của bánh mì Việt còn được tạo nên ngay từ khâu trộn, nặn, hòa đều bột, bơ, các gia vị muối đường lại với nhau. Chưa hết, với phần nhân bên trong như thịt nguội, trứng, xúc xích,… ăn kèm với hành, dưa leo, rau chua, thêm một tí tương ớt Chin-Su hoặc Polimex chuẩn vị cay, bánh mì mang trong mình hương vị không thể lẫn đi đâu được và cũng không đâu tìm thấy được ngoài Việt Nam.
Bánh mì theo chân địa lí đất nước
Bánh mì Sài Gòn
Tuy thế, từng vùng miền của đất nước cũng có những cách riêng để tạo ra điểm đặc biệt cho bánh mì xứ mình. Bánh mì nổi tiếng nhất chắc phải ở cái nơi nó du nhập vào. Bánh mì Sài Gòn gây ấn tượng với rau chua giòn giòn, man mát với phần nhân thịt mỡ màng kết hợp với pate, bơ dầu, jambon, chả lụa, đồ chua và dưa leo. Những topping đi kè như hàng tỏi, chanh, nước mắm, nước tương hay nước sốt riêng tùy nơi chế biến khiến mỗi mẫu bánh bạn nhấm nháp đều trọn vị và đậm đà hơn. Đôi khi thứ sốt chỉ khác nhau giữa việc dùng mắm Nam Ngư hay mắm Đệ Nhị, giữa tương Chin-Su hay tương Maggi, nhưng cũng đủ để tạo nên đặc trưng giữa từng xe bánh mì rồi. Sự đa dạng của thứ bánh này ở Sài Gòn còn phải kể đến các biến tấu khác như bánh mì xíu mại kết hợp giữa nhân thịt mọng nước và vỏ giòn rụm, bánh mì thịt heo quay giòn tan sần sật từ trong ra ngoài, hay bánh mì phá lấu thơm nức mũi…
Bánh mì ở những địa phương khác cũng hấp dẫn không kém. Khi đến với Đà Lạt, trong cái lạnh của xứ cao nguyên, con người ta được thưởng thức cái vị ngọt từ xương kết hợp với sự cay nồng của ớt trong nước súp chứa các viên xíu mại, chả que, da heo…trong món bánh mì xá xíu. Hay lúc đến với vùng biển Nha Trang, bạn sẽ được ăn bánh mì chả cá làm nên thương hiệu với nước chấm rau bò, bò kho nấu tiêu đầy hấp dẫn. Còn giữa thủ đô Hà Nội lại nổi lên bánh mì pate áp chảo cùng với đầy đủ pate, bít tết, trứng ốp la… được để sẵn trên chiếc chảo gang luôn luôn nóng rực. “Nhập gia tùy tục”, đến với mỗi địa phương, bánh mì lại chuyển mình một tí để hợp khẩu vị nơi đây, nhưng chung quy lại, bánh mì vẫn giữ cho mình cái hương vị đặc trưng nhất của thức ăn đường phố.
Bánh mì – niềm tự hào dân tộc lan tỏa toàn thế giới.
Tờ The Guardian khi xếp ổ bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách Món ăn Đường phố Ngon nhất Thế giới đã viết: “Có một bí mật ít người biết đó là, chiếc sandwich ngon nhất thế giới không phải ở Rome, Copenhagen hay thành phố New York, mà là trên những đường phố Việt Nam”. Bánh mì Việt trở thành một biểu tượng mang văn hóa dân tộc vươn tầm thế giới. Hiếm khi thấy một món ăn nào được trở thành đặt làm Doodle Google tại 12 quốc gia trong ngày kỉ niệm 9 năm hai chữ “bánh mì” “đặt gạch” tại từ điển Oxford. Món bánh giản dị như thế nhưng lại dám đương đầu với vô vàn cao lương mỹ vị khác, trở thành món ăn truyền thống thiết đãi các vị “khách sộp” quốc tế. Chắc khó ai quên được hình ảnh Ngài Cựu Thủ tướng Australia cũng từng xếp hàng mua ổ bánh mì 10,000 đồng tại một chiếc xe bên lề đường Đà Nẵng, hay việc Ngài Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không bao giờ quên thưởng thức “món tủ” này khi ghé thăm Việt Nam được kể lại bởi một trợ thủ đắc lực của
Cựu Thủ tướng Australia nhâm nhi bánh mì Việt Nam
Ấy vậy mà khi đặc sản này đến tay các vị khách Hàn Quốc lại nhận được những phát ngôn không hay trên nhà đài, trở thành nguồn căn dẫn đến sự bùng nổ của trào lưu “bánh mì Đông Lào” trên khắp đất nước. Chẳng một công dân Việt nào có thể chịu đựng được việc thứ bánh quý giá tầm cỡ thế giới của mình bị ví như một món ăn kham khổ, khó nuốt. Rất nhiều hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội để “minh oan” cho bánh mì, trong đó có cả những tên tuổi lớn được hàng ngàn follow như Tóc Tiên, Jun Phạm, Ngô Kiến Huy, Huỳnh Lập… Nổi bật trong số đó là hình ảnh bộ trang phục dân tộc từng gây sốt ở đấu trường nhan sắc Hoa hậu Hoàn vũ 2018 của H’Hen Niê kèm theo chia sẻ: “H’Hen yêu bánh mì Việt Nam, còn cả nhà?” như một lời khẳng định cho việc bộ váy bánh mì lọt vào top 10 Trang phục truyền thống đẹp nhất và vị trí top 5 chung cuộc của cô trên đường đua nhan sắc thế giới. Làn sóng “Yêu bánh mì” mạnh mẽ đã khiến cho Đài YTN News của Hàn Quốc phải đăng tải thông báo xin lỗi về việc đưa tin người Hàn tại TP Đà Nẵng – Việt Nam chê khu cách ly dịch bệnh Covid-19 “nghèo nàn và thức ăn ít ỏi”. Rõ ràng chỉ là một chiếc bánh nhỏ bé tầm vài chục nghìn, nhưng lại có cả một quốc gia hùng hậu đứng sau bảo vệ. Liệu có bao nhiêu món ăn có thể làm được như bánh mì?
H’Hen Niê cùng bộ trang phục “bánh mì” nổi tiếng
Tóm lại, có thể nói bánh mì không chỉ là tinh hoa của văn hóa Việt mà còn là niềm tự hào vô bờ bến của mỗi người con đất Đông Lào. Nó lưu giữ nét đẹp văn hóa và phong thái dân tộc từ chính những điều giản dị và đơn sơ nhất. Chắc hẳn qua những lùm xùm vừa rồi, mỗi cá nhân sẽ càng vinh hạnh khi giới thiệu món bánh đường phố ngon nhất nhì thế giới đến bạn bè quốc tế. Và nếu bạn được một người bạn nước ngoài nhờ giới thiệu đồ ăn Việt, ngại gì mà không dắt người ta đến xe bánh mì gần nhất nhỉ?