CÀNG ĂN CÀNG NGHIỆN 04 MÓN ĐẶC SẢN MIỀN TÂY
Miền Tây Việt Nam là vùng đất được thiên nhiên ưu ái với nhiều sản vật trù phú quanh năm, từ vườn tược đa dạng cây ăn quả, rau củ đến phong phú các loại cá mắm. Đến với miền Tây Nam bộ, bạn nên thưởng thức những món ăn với hương vị đặc trưng, mang đậm phong thái truyền thống sông nước khiến nhiều thực khách yêu thích.
1. BÚN MẮM
Có rất ít người biết, thật ra bún mắm có nguồn gốc từ Cambodia, được chế biến từ mắm bù hốc. Sau khi du nhập vào Việt Nam, thì được thay thế bằng mắm cá linh, hoặc cá sặc. Đây là hai loại cá phổ biến nhất ở khu vực cuối dải đất Việt, từ Cần Thơ, Trà Vinh trả dài xuôi về Bạc Liêu, Cà Mau. Với sản lượng dồi dào quanh năm và thịt cá linh, cá sặc ngọt thanh và mềm, khi chế biến thành mắm lại có bị mặn đậm đà, được nhiều người yêu thích.
Mắm được nấu sôi cho cá rã ra, lọc mắm qua rây lấy nước, bỏ xương. Cá lóc làm sạch cắt thành nhiều khúc, đầu cá, ruột, gan, mỡ béo ngậy cũng được tận dụng, có thể hấp hoặc nấu trong nồi nước lèo đến chín vừa tới rồi vớt ra đĩa. Thêm xương heo cũng mang thả trong nước lèo cho có vị ngọt. Sả băm nhuyễn, nấm rơm, cà tím cắt khúc vừa ăn tăng thêm chất lượng thơm ngon, đậm đà của nồi nước lèo.
Về sau để tăng hương vị và độ phong phú cho bún mắm, người ta cho thêm miếng cá, tôm, mực và heo quay.
Rau ăn kèm gồm nhiều loại như: hoa chuối thái mỏng, giá, rau muống bào, hoa súng, và rau đắng… Đặc biệt, món ăn sẽ ngon hơn khi có thêm chén nước mắm nguyên chất, ớt tươi thái mỏng và vắt thêm một miếng chanh cho có vị chua chua để tô bún thêm thơm ngon và thú vị hơn. Nói đến nước chấm, một thành phần không thể thiếu trong hầu hết các món ăn Việt, để pha một chén nước mắm ngon, bạn nên chọn loại nguyên chất, đậm vị với hàm lượng đạm cao như Chin-Su, mới tạo ra sự kết hợp hoàn hảo cho bún mắm thêm thơm ngon, cảm nhận được đầy đủ chất hương đồng gió nội của vùng sông nước miền Tây.
Vào khoảng năm 1970, bún mắm được biết rộng rãi, và du nhập vào Sài Gòn, trở thành một điểm nhấn nổi bật trong nền ẩm thực Việt. Bạn có thể tham khảo và trải nghiệm thử tại một số quán bún mắm nổi tiếng tại Sài Gòn với nhiều phản hồi tích từ thực khách trong và ngoài nước như: quán Sáu Kèn tại hẻm 412 Nhật Tảo, Quận 10; bún mắm Bạc Liêu, 78 Trần Nhân Tôn, Quận 10; quán 444 Lê Quang Định, Gò Vấp…
2. LẨU CUA ĐỒNG
Không mặn mà và nồng nàn như bún mắm, lẩu cua đồng mang hương vị ngọt thanh của cua đồng, một trong những nguồn thực phẩm dân dã, phổ biến nhất vào mùa mưa, tháng 6 – 7 hàng năm. Những con cua đồng chắc nịch, được rửa sạch, tách mai, bỏ yếm, giã nhuyễn nấu lấy gạch rồi thêm nhiều thành phần khác, tạo nên một nồi lẩu có vị chua chua ngọt ngọt, thơm mùi cua nhưng không tanh; một chút béo ngậy, giàu đạm từ gạch cua.
Tùy vào từng địa phương mà món ăn này được biến tấu khác nhau về các nguyên liệu ăn kèm. Nếu như thưởng thức món lẩu riêu cua đồng ở Đồng Tháp, bạn sẽ được ăn món lẩu này với các thành phần tôm, giò, bông bí, đọt nhãn lồng, rau trai… có vị nhẫn nhưng lại thanh mát, rất thích hợp trong những ngày trời nắng nóng.
Nhưng nếu thưởng thức món này ở vùng Kiên Giang, Bạc Liêu thành phần nguyên liệu lại rất phong phú với ghẹ tươi, cá bống mú, tôm, chả, rau mồng tơi, nấm… vừa tăng thêm vị ngọt tự nhiên vừa thanh mát lại không tạo cảm giác ngấy cho người ăn.
Khi muốn chế biến tại nhà, bạn nên thận trọng trong khâu chọn mua cua đồng, vì nó là thành phần chủ đạo cho món lẩu, nếu nguyên liệu không tươi ngon sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phong vị món lẩu. Để có nồi lẩu ngon, bạn khéo léo chọn mua cua cái, nhiều gạch, giúp cho món ăn thêm béo và giàu dinh dưỡng. Cách phân biệt đơn giản nhất là bạn quan sát phần yếm cua. Nếu thấy cua có yếm nhỏ là cua đực, còn yếm lớn hơn thì đó là cua cái. Cua tươi khỏe thường chạy rất nhanh, còn đủ chân, càng luôn hướng lên trên khi bạn cố bắt. Mình cua mập, ấn tay vào yếm cua nổi bọt khí. Thông thường cua sẽ có màu xám đục, mai cua thường có màu sáng hơn, bóng hơn.
Muốn thưởng thức món lẩu cua đồng ngon mà không mất nhiều thời gian chế biến, bạn có thể đến các địa điểm như quá Tuấn Lùn, chuyên phục vụ lẩu cua đồng tại số 03. Hàn Thuyên, Thủ Đức; hoặc quán Xuân Đức, 235 Hòa Bình, Tân Phú… đây những địa điểm có nhiều phản hồi tích cực mà bạn có thể kiểm chứng.
3. ĐUÔNG DỪA
Có thể nói rằng đuông dừa là một món đặc sản miền Tây ngon ngất ngây khiến du khách nào cũng ghiền khi được thưởng thức. Đây là một loại ấu trùng có phần cánh cứng và xuất hiện rất nhiều ở miền Tây. Loài này thường sinh sống ở bên trong ngọn của thân cây dừa, cây cau,…và khi muốn bắt được nó thì bạn cần đốn phần thân cây để có thể tìm thấy một vài con béo tròn hấp dẫn.
Đây là một món ăn ngon bởi trong con đuông dừa chứa nhiều protein, vitamin A, C,…và đặc biệt với hương vị bùi bùi, béo béo, thơm mùi dừa kích thích vị giác. Con đuông còn ngọ nguậy đặt trong bát nước mắm ớt cay, cứ thế gắp bỏ vào miệng sẽ cảm nhận được vị béo bùi mà nhiều người nói giống y như lòng đỏ trứng gà tan dần trong miệng. Như thế mới cảm nhận được hết cái “chất” lạ miệng và hiểu hết nét đặc trưng của món ăn này.
Bên cạnh đó, đuông còn được chế biến thành nhiều món đa dạng, dễ thưởng thức hơn như đuông nướng, đuông chiên bơ, đuông hấp nước dừa, đuông nấu cháo…Dễ ăn nhất có thể kể đến món đuông nướng. Đuông dừa được kẹp vào gắp tre, nướng liu riu trên than đến khi chín vàng rồi cuốn cùng các loại rau, chấm mắm me chua ngọt. Vị béo ngậy, thơm nức của đuông nướng quyện cùng vị chua chát mặn ngọt của nước chấm và rau tươi.
Tại Sài Gòn, bạn có thể tham khảo địa chỉ 17B đường 11, phường 11, quận Gò Vấp, để có những trải nghiệm chân thật về món ăn đặc biệt này nhé.
4. BÁNH XÈO
Bánh xèo là một món ăn thuần túy và quen thuộc của người dân Việt Nam. Món bánh nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại có cách chế biến kỳ công rất được lòng bạn bè quốc tế khi ghé thăm. Bánh xèo cũng được biến tấu tùy theo vùng miền và sở thích vì thế có bánh xèo Miền Trung, bánh xèo miền Tây, bánh khoái xứ Huế.
Người miền Tây thông thường thích đổ bánh xèo lớn hơn một gang tay, vỏ bánh được tráng mỏng, giòn, hơi dai dai ở giữa, cực kỳ thơm bởi có nước cốt dừa. Nhân bánh là thịt ba chỉ, tôm, đậu xanh có khi là thịt vịt, củ sắn, giá và đậu xanh. Cách thưởng thức bánh xèo của người miền Nam khá công phu, họ ăn kèm với rau rừng và nước mắm chua ngọt. Khi ăn, thực khách cuốn bánh, nhân và rau cùng với nhau sau đó chấm với nước mắm pha sẵn và tận hưởng. Nước mắm phải đậm đà, pha loãng với một ít nước đường, thêm chút nước cốt chanh và ớt để món ăn thêm bắt vị. Thường họ sẽ dùng bánh tráng cuốn bánh xèo cho gọn, dễ ăn hơn.
Để có được món bánh xèo thơm ngon ngoài những nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận, yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho món ăn là sự khéo léo khi đổ vỏ bánh. Vỏ bánh phải mỏng đều, không được chỗ dày chỗ mỏng khác nhau; vỏ bánh quá dày sẽ gây ngấy, còn mỏng quá sẽ dễ bể, khi thêm phần nhân hoặc cuốn bánh tráng, bánh sẽ bị nát, ăn mất ngon.
Cảm giác giòn giòn béo béo của vỏ bánh, sự tươi xanh của rau rừng, một tí dai dai, thơm ngon của thịt ba rọi và tôm, kết hợp với vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay của nước mắm chắc chắn bạn sẽ không thể nào cưỡng lại được món bánh xèo dân dã, đặc sản vùng quê Việt Nam. Bạn có thể tham khảo các địa chỉ sau để trải nghiệm phong vị bánh xèo miền Tây thơm ngon thế nào nhé:
- Bánh Xèo Ăn Là Ghiền: 74 Sương Nguyệt Ánh, P. Bến Thành, Quận 1
- Bánh Xèo Mười Xiềm 213 bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. 6, Quận 3
- Bánh Xèo Tôm Nhảy Thanh Diệu 164 Nguyễn Thị Nhỏ, P. 15, Quận 11
Đối với vùng đất màu mỡ, trù phú này, bạn có thể dễ dàng kể thêm vô vàng các món đặc sản có lịch sự phát triển và được ưa chuộng qua nhiều năm, trở thành một nét văn hóa trong nền ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt với nhóm 4 món ăn kể trên, không chỉ người dân nội địa, và đối với thực khách nước ngoài, chúng dễ dàng để lại dấu ấn bởi hương vị đậm đà, đến từ nguyên liệu và cách chế biến mang phong vị làng quê Việt Nam.