VIỆT NAM – NỀN VĂN HOÁ ẨM THỰC ĐA DẠNG
Văn hoá ẩm thực Việt Nam ngày càng khẳng định sự đa dạng, phong phú từ hương vị đến cách chế biến, cách thưởng thức, hấp dẫn nhiều khách du lịch cũng như thu hút sự tò mò, yêu thích từ chính người dân Việt. Là một nước dẫn đầu trong nền phát triển nông nghiệp, ẩm thực Việt Nam cũng gần gũi, tận dụng những tài nguyên, nguyên liệu sẵn có, làm nên nhiều món ăn chủ yếu từ rau củ quả, hương vị thanh đạm, hạn chế dầu mỡ và gia vị.
Đặc điểm chung của nền ẩm thực Việt, hầu hết các bữa cơm đều dùng kèm với nước chấm. Dù thành phần pha chế có chút cầu kì, nhưng đều là gia vị tự nhiên, sử dụng tương sinh hài hoà với nhau, kết hợp với rau thơm để đạt được vẻ ngoài bắt mắt, mùi vị tinh tế, và còn có thể tận dụng như một bài thuốc giải độc cơ thể và ngừa nhiều bệnh.
Mặc dù vậy, mỗi vùng miền do điều kiện địa lí, thời tiết và các yếu tố ngoại cảnh khác tác động, mà trong khẩu vị cũng như thói quen ăn uống đều có sự khác biệt rõ rệt. Từ đó, nền ẩm thực ba miền mang sắc thái riêng.
Ẩm thực miền Bắc
Miền Bắc được xem là cội nguồn của người Việt, cách thức chế biến và khẩu vị nêm nếm được sàng lọc và tính toán kỹ, lâu dần trở thành chuẩn mực, không dễ gì thay đổi. Miền Bắc thích sự thanh đạm, nhẹ nhàng. Có thể thấy, người dân nơi này rất cầu kỳ và trọng quá trình chế biến, phải làm sao để một món ăn phải giữ được hương vị tự nhiên nhất, quá trình chế biến theo đúng cách xưa, dù là phải dậy từ rất sớm để mua nguyên liệu và chuẩn bị mâm cơm, nhưng với họ, bữa cơm hoàn chỉnh là phải tỉ mỉ, thận trọng, thông qua món ăn thể hiện được sự tinh tế, phong vị truyền thống của người nấu.
Với vùng miền này, họ không thiên vị bất cứ gia vị hay phụ phẩm nào. Với họ, món ngon là món có hương vị riêng biệt của chính nó. Nên gia vị, nước chấm hay các loại rau thơm ăn kèm đều được đong đếm rất kĩ, để cho dù là ngọt mặn chua cay, thì vẫn kết hợp hài hòa, kích thích khẩu vị và mang màu sắc đặc thù.
Khi đi đến vùng đất này, bạn có thể trải nghiệm bánh cuốn Thanh Trì, một món ăn truyền thống tồn tại lâu đời với bột bánh được xay mịn từ loại gạo ngon, tráng mỏng và căng mịn, ăn kèm chả quế, ruốc tôm nóng hổi, thêm chút hành phi, rau sống và sự cầu kỳ khi pha nước chấm ngon. Hoặc món bún chả Hải Phòng, là sự kết hợp nhuần nhuyễn hải sản và những sản vật từ đồng ruộng. Chả cá phải được làm bằng cá thu, thịt cá được lọc ra giã nhuyễn với thì là, bột nghệ cho ngon mắt… Nước dùng phải được ninh bằng xương ống với nước luộc xương cá biển mới ngọt và có mùi đặc trưng. Cũng còn có, cá kho Vũ Đại được làm từ cá trắm đen, được tẩm ướp theo bí quyết cổ truyền và kho bằng nồi đất nung dưới củi khô trong khoảng 16 – 24 tiếng. Thịt cá vẫn còn chắc và xương đã nhừ vừa thơm lại không bị hóc.
Ẩm thực miền Trung
Là mảnh đất không thuận lợi về địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên, người dân miền Trung luôn trân trọng và biến những sản vật tuyệt vời của quê hương thành những món ăn mang hương vị rất riêng và đặc biệt. Ẩm thực miền Trung có một chiều sâu riêng, mang đậm chất thanh tao nhẹ nhàng của vùng đất chịu nhiều thiên tai bão tố.
Về gia vị, người miền Trung đặc biệt thích ăn cay mặn, dù là món ăn cao lương mỹ vị hay món ăn dân dã đời thường, một khi đã thưởng thức thì thực khách không thể quên mùi vị đặc trưng này. Ở miền Trung có hai loại hình trái ngược nhưng song song tồn tại lâu đời. Một là rất nghiêm ngặt chọn lựa nguyên liệu, cầu kỳ về chế biến và trang trí, nặng về lễ nghi và đặc sắc mang đậm chất cung đình. Mặt khác, lại rất dung dị, đơn giản. Nhưng dù là hình thái nào, các món ăn đều luôn thiên vị cay mặn, từ món chính, đến điểm tâm, món ăn vặt hay kể cả món chấm đi kèm cũng thế. Nổi tiếng với những món ăn “có một không hai”, không thể tìm thấy ở vùng miền khác như cá bống Sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha,… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê.
Một nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực miền Trung phải kể đến nữa là các loại bánh và chè. Ở đây, có những loại chè mang màu sắc cung đình như chè hạt sen, chè long nhãn, chè đậu ngự,…mỗi loại chè có hương vị khác biệt nhưng đều có vị rất thơm ngon và hấp dẫn. Người Huế khi nấu chè thường dùng nguyên liệu là mạch nha, đường phổi, đường phèn để tôn vinh món chè tao nhã của mình.
Ẩm thực miền Nam
Đây là một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ được bồi đắp bởi hệ thống các sông, kênh, rạch chằng chịt. Miền Nam luôn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều sản vật đa dạng, phong phú. Ẩm thực Nam Bộ mang nét phóng khoáng và hoang dã bởi chính thiên nhiên trù phú và hào phóng của miền sông nước phương Nam. Ẩm thực miền Nam có hai nét chính, một là “mùa nào thức nấy”, hai là rất ưa ngọt.
Khi mùa nước lên, mọi người sẽ thấy đó là thời điểm vàng của lẩu cá, mắm cá, cua đồng, và nhiều sản vật được bày bán cũng như xuất hiện rất thường xuyên trong mỗi mâm cơm. Đến mùa gặt, thì đến các loại động vật như chuột đồng, thịt heo, bò. Bên cạnh đó, các loại rau thay phiên nhau được thu hoạch theo mùa, như bông súng, bông điên điển… Nhiều loại trái cây cũng được chăm bón và thu hoạch quanh năm tạo nên một miền đất sầm uất, rộn ràng với nhiều vụ mùa.
Người miền Nam thường sử dụng vị ngọt của đường rất nhiều trong các món ăn, từ món canh, mặn hay xào và nhất là trong các loại bánh, chè, hoặc cả trong các món xôi. Đặc trưng miền Nam có rất nhiều loại bánh mang vị ngọt như, bánh ít, bánh bò, bánh đậu xanh,…Bên cạnh đó người miền Nam hay sử dụng nước dừa tươi, nước cốt dừa và cả cơm dừa để làm tăng vị béo, vị ngọt của món ăn. Có khá nhiều đặc sản nổi tiếng của miền Nam dùng dừa trong chế biến như tép rang dừa, lươn um, gà rô ti hay cả trong món tương chấm kèm gỏi cuốn, nem nướng, hoặc cháo cá.
Đa dạng phong vị ẩm thực vùng miền được thể hiện rất rõ nét, dân địa phương hoặc khách du lịch đều có thể dễ dàng nhận ra và bị thu hút từ chính trải nghiệm cá nhân.