ĐỔI MỚI MÂM CƠM GIA ĐÌNH NHỮNG NGÀY MƯA

 ĐỔI MỚI MÂM CƠM GIA ĐÌNH NHỮNG NGÀY MƯA

ĐỔI MỚI MÂM CƠM GIA ĐÌNH NHỮNG NGÀY MƯA

Những ngày mưa gió mà cả gia đình cùng nhau sum họp bên mâm cơm, cùng chuyện trò vui vẻ bên những món ăn ngon mẹ nấu thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Nếu bạn muốn tự tay nấu một bữa cơm bổ dưỡng cho gia đình trong những ngày đầu mùa mưa thì hãy thử tham khảo công thức dưới đây nhé!

Thực đơn dành cho 4 người:

  1. Cá lóc kho tộ.
  2. Rau lang luộc chấm mắm chanh tỏi ớt.
  3. Đậu phụ rán.
  4. Canh cua rau đay.

Chuẩn bị nguyên liệu:

– Cá lóc (1 con – 1 kg)

Lưu ý: Vì có lẫn cá lóc Trung Quốc nên để an toàn, bạn nên chọn mua cá sống, bơi khỏe và không có đốm nấm. Đặc biệt, khi chế biến, nên bỏ lớp mỡ cá để hạn chế nguy cơ nhiễm hóa chất.

– 1 bó rau lang khoảng 200 gram, 3 bìa đậu hũ, 1 bó rau đay 300 gram.

– 1 kg cua đồng.

– Các loại gia vị khác như: Bột ngọt, tiêu, nước màu, hành tím, dầu ăn, hạt nêm, đường trắng, nước mắm nguyên chất Chin-Su, ớt, chanh, hành lá, muối, hành khô, tỏi, mắm tôm,…

Các bước chế biến:

1. Cá lóc kho tộ:

ĐỔI MỚI MÂM CƠM GIA ĐÌNH NHỮNG NGÀY MƯA

Bước 1: Sơ chế cá và các nguyên liệu

– Để tiết kiệm thời gian và có những bạn không biết làm cá lóc, nên nhờ người bán làm sạch, khi mua về chỉ việc sơ chế lại cho nhanh. Bạn nên yêu cầu người bán bỏ cả mang cá và cạo sạch màng đen bên trong bụng cá thì cá sẽ bớt tanh hơn rất nhiều.

– Tiến hành sơ chế, khử mùi tanh cá. Có nhiều cách khử mùi tanh cá và làm sạch nhớt, như ngâm với muối và nước chanh tươi (1-2 trái), ngâm khoảng vài phút, sau đó dùng dao cạo nhớt theo chiều đánh vảy rồi rửa lại dưới vòi nước vài lượt là xong, như vậy cá sẽ sạch nhớt và không bị tanh.

– Cắt cá thành từng khúc nhỏ, dày khoảng 1.5-2cm.

– Hành lá rửa sạch, thái nhỏ, để riêng phần thân trắng và phần lá xanh.

– Hành khô bóc vỏ, thái lát. Chia đôi chỗ hành khô.

– Cho phần trắng hành lá và một nửa chỗ hành khô vào cối, giã nát.

Bước 2: Ướp cá

– Pha loãng nước màu với 1.5 muỗng canh nước ấm.

– Xếp cá vào nồi đất, cho hỗn hợp hành vào cùng hạt nêm và đường mỗi loại 2 muỗng cà phê; muối, bột ngọt, tiêu xay mỗi loại 1/2 muỗng cà phê, 3 muỗng canh nước mắm Chin-Su, nước màu đã pha và 2 trái ớt cắt nhỏ.

Bạn nên chọn loại nước mắm giàu đạm để có mùi vị đậm đà như Chin-Su. Nếu vừa miệng ăn, bạn hoàn toàn có thể lược bỏ muối và thay bằng nước mắm.

– Ướp cá trong nồi đất khoảng 10 phút.

Bước 3: Kho cá

– Làm nóng chảo với một muỗng canh dầu ăn, cắt lát mỏng hành tím, phi thơm, tắt bếp.

– Đặt nồi cá kho lên bếp, đậy nắp rồi đun ở mức lửa trung bình đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa. Khi nồi cá kho sôi thì cho hành tím cùng dầu phi vào rồi trộn đều.

– Thêm khoảng 200ml nước lọc vào nồi rồi đậy nắp, đun liu riu từ 30-45 phút. Khi nồi cá kho tộ sệt lại thì thêm hành lá, ớt cắt lát, đun tiếp ít phút. Trong quá trình này, cứ 10 phút bạn nhẹ nhàng lật cá 1 lần để cá thấm đều tất cả gia vị rồi tắt bếp.

– Cho cá lóc kho tộ ra đĩa hoặc bát, rưới ít nước cá kho lên rồi trang trí sao cho đẹp mắt là được.

2. Rau lang luộc chấm mắm ớt:

Bước 1: Sơ chế

– Lặt lấy phần non, rửa sơ với nước để loại phần bụi bẩn, nhẹ tay để rau không bị nát.

– Ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 05 phút để loại bỏ phần nhựa của rau lang, sau đó rửa lại với nước sạch rồi để ráo (có thể thay muối bằng giấm để ngâm rau lang).

Bước 2: Luộc rau

– Đun nước với lửa vừa. Bạn nên cho nhiều nước để rau ngập hết trong nước thì khi trở rau sẽ không bị nát.

– Khi nước đã sôi thì cho vào nồi nước luộc một chút muối trắng hoặc một ít nước cốt chanh, khuấy đều cho muốn tan.

– Sau đó cho rau lang vào nồi, để lửa vừa phải, luộc khoảng 02-03 phút. Trong lúc luộc bạn nên dùng đũa trở nhẹ cho rau chín đều, có thể gắp thử một cọng ra và dùng ngón tay bấm thử xem được chưa. Khi luộc không nên đậy nắp nồi trong quá trình luộc để rau giòn hơn, không bị đen và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của rau.

– Khi rau đã chín thì vớt ra ngay cho vào thau nước lạnh, sau đó mới vớt ra cho ráo nước rồi cho lên đĩa.

Bước 3: Làm nước mắm chanh tỏi ớt

– Cho tỏi và ớt hiểm vào cối giã thật nhuyễn. Tỏi khi được giã sẽ tiết ra hết hương vị, làm nước chấm ngon hơn tỏi băm bình thường.

– Cho hỗn hợp tỏi ớt đã giã ra chén, cho đường và bột ngọt vào. Rót nước ấm vào và khuấy đều.

– Đến khi đường tan hết thì cho nước mắm Chin-Su vào. Thêm khoảng 01-02 muỗng cà phê nước cốt chanh tùy thích chua nhiều hay ít. Chén nước mắm thơm ngon đã sẵn sàng.

Mẹo nhỏ: Tỏi giã nhuyễn thay vì băm để tỏi nổi lên trên mặt nước mắm nhìn bắt mắt hơn. Nặn chanh cuối cùng, như vậy tép chanh sẽ nổi lên bề mặt nước chấm rất hấp dẫn. Bạn nhớ vớt hạt ra để nước chấm không bị đắng. Cho nước mắm vào sau khi đường tan. Nếu có thêm nhiều thời gian, bạn nên đun sôi đường và nước mắm đến khi đường tan hết theo tỷ lệ 1 chén đường: 1/2 chén nước mắm. Nước mắm đường nấu lên sẽ cho một hỗn hợp keo lại sền sệt rất ngon, dùng để trộn gỏi hoặc pha nước mắm chấm cực ngon. Cho nước lọc nhiều hay ít tùy theo bạn muốn nước chấm loãng hay hơi cô đặc.

3. Đậu phụ rán:

Bước 1: Sơ chế

– Rửa đậu phụ qua nước sạch, để ráo. Sau đó cho đậu phụ vào tủ lạnh khoảng 30 phút. Như vậy đậu phụ sau khi ráng xong sẽ vuông vức, không bị vỡ và cực kì căng phồng, giòn rụm.

– Sau 30 phút thì mang đậu phụ ra dùng giấy thấm cho thật khô, khi rán dầu sẽ không bị bắn và đậu không bị dính vào chảo.

Bước 2: Rán đậu phụ

– Đun nóng chảo, cho nhiều dầu vào chảo rồi đun nóng già, sau đó thả từ từ từng miếng đậu phụ vào chảo.

– Vừa cho đậu phụ vào vừa dùng đũa đẩy miếng đậu cho láng đều dầu, các miếng đậu không nên để dính sát vào nhau, trong khi rán nên để lửa vừa tránh đậu phụ bị cháy.

– Khi đậu phụ đã rán vàng thì trở đều các mặt, chín vàng đều thì gắp ra đĩa.

– Nếu miếng đậu phụ bị dính chảo thì bạn đừng vội dùng đũa gắp miếng đậu lên, thay vào đó chỉ cần tắt bếp, nghiêng chảo sang một bên, đợi đến khi chảo nguội thì miếng đậu phụ sẽ tự bong ra, sau đó chỉ cần dùng xẻng đẩy thì miếng đậu phụ sẽ bong khỏi chảo.

4. Canh cua rau đay

Bước 1: Sơ chế

– Bạn nên chọn những con cua còn sống, màu cua vàng tươi (nhất là ở phần bụng), không gãy chân/càng.

– Ngâm cua với nước sạch hoặc nước gạo khoảng 30 phút để làm sạch bùn đất. Tiếp đến cho cua vào rổ và để dưới vòi nước mạnh để loại bỏ phần đất bẩn còn sót lại.

– Sau đó bóc yếm và mai cua, lấy phần gạch cua cho vào một bát riêng, phần thịt cua mang rửa lại với nước sạch một lần nữa rồi để ráo nước, cho vào cối giã nát hoặc dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn. Giã đều tay đến khi thịt cua tan đều, nhuyễn mịn là được.

– Cho vào phần thịt cua đã xay 1/2 muỗng muối trắng, một tô nước lọc. Sau đó dùng tay bóp nhẹ nhàng, dùng ray hoặc lưới lọc cẩn thận lấy phần nước cua và bỏ đi phần xác cua.

– Tiếp đến là sơ chế rau đay, nhặt sạch cuống rồi rửa sạch và ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 20 phút, sau đó vớt rau ra rửa lại một lần nữa và thái thành từng khúc vừa ăn.

Bước 2: Nấu canh

– Cho phần nước cua vào nồi, đun nhỏ lửa (không nên đun với lửa to vì khi sôi thịt cua có thể trào ra ngoài mất đi dinh dưỡng).

– Khuấy nhẹ liên tục cho đến lúc phần thịt cua bắt đầu kết lại thành tàng thì cho phần gạch cua để riêng trước đó vào nồi và khuấy nhẹ đều.

– Khi nước sôi thì bạn cho rau đay vào, tiếp tục đun nhỏ lửa rồi nêm gia vị vừa ăn. Đợi canh sôi thêm khoảng 01-02 phút thì có thể tắt bếp rồi cho canh ra tô, thêm hành tỏi phi vào cho thơm.

Chỉ với những món đơn giản với cách chế biến nhanh gọn như trên cũng đã tạo nên một mâm cơm thật ấm cúng cho gia đình bạn trong ngày mưa rả rít rồi đấy. Mâm cơm này cung cấp đầy chất dinh dưỡng cho gia đình bạn, từ chất đạm, xơ, vitamin, chất béo và lượng omega 3 từ cá lóc, giúp các bạn cải thiện sức khoẻ mắt, da dẻ hồng hào, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và một số chứng rối loạn tâm thần… Lượng omega 3 tự nhiên này rất dồi dào trong một vài nhóm cá, đặc biệt là cá lóc. Monngon.vn chúc các bạn thành công và có nhiều thời gian vui vẻ, tận hưởng bên gia đình nhé.